Trong dân gian, mật ong có nhiều tên gọi như thạch mật, thực mật, bạch mật, mật đường, phong đường…, được coi là “tinh của trăm hoa”. Theo y học cổ truyền, mật ong vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ trung hoãn cấp, nhuận phế chỉ khái, nhuận tràng thông tiện và giải độc.
Y thư cổ Bản thảo cương mục cho rằng: mật ong có công dụng thanh nhiệt, bổ trung, giải độc, nhuận táo, chỉ thống. Sống thì tính lạnh, có thể thanh nhiệt; chín thì tính ấm, có thể bổ trung; ngọt mà hòa bình, có thể giải độc; nhu mà nhuận trạch, có thể nhuận táo; hoãn nên trừ cấp, có thể giảm đau ngực bụng, vết thương; hòa nên có thể điều hòa các vị thuốc giống như cam thảo. Còn nghiên cứu của dược học hiện đại cho thấy, mật ong có tác dụng kháng khuẩn, chống ung thư, nhuận tràng, giải độc, tăng cường chức năng miễn dịch, cải thiện quá trình chuyển hóa đường trong cơ thể và kéo dài tuổi thọ.
Việc dùng mật ong ngâm rượu để uống đã có từ thời nhà Chu (Trung Quốc) vào khoảng 780 năm trước Công nguyên. Loại rượu này có công dụng bồi bổ cơ thể, điều hòa công năng các tạng phủ, trừ phong thấp và làm hết ngứa nên có thể dùng rộng rãi cho nhiều người, đặc biệt tốt cho những người mắc chứng ngứa kinh niên mà Đông y gọi là chứng phong chẩn, cấp chẩn tao dương bất chỉ.
Cách chế:
Dùng 1.000 ml mật ong ngâm với 1.500 ml rượu trắng, bịt kín miệng lọ, để nơi râm mát, thỉnh thoảng lắc đều, sau 15 ngày có thể dùng được. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 25 ml. Nam, nữ từ tuổi trưởng thành đều dùng được. Tuy nhiên, cần chú ý uống đúng liều lượng, không được thấy hay mà quá chén!